Xuất bản thông tin

null Chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu về lao động, an sinh xã hội

Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu về lao động, an sinh xã hội

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh đối với ngành lao động, thương binh và xã hội tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội 2024 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/12.

Kết quả thực hiện công tác của ngành năm 2023 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng một số mặt công tác đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023. Một số lĩnh vực đã đạt được những kết quả tích cực như: ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155 nghìn người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay...

Chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu về lao động, an sinh xã hội -0

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận vẫn còn những mặt hạn chế. Chẳng hạn, chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương kinh tế trọng điểm và các doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng xin lùi, rút văn bản hoặc chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với thời hạn được giao. Một số nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chậm triển khai. Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đối với đối tượng được thanh tra chưa được triển khai nhiều. Tỷ lệ thu hồi tiền qua đôn đốc, xử lý thanh tra và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực người có công...

“Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của ngành lao động, thương binh và xã hội là tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới toàn diện, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đối với người có công, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2024 lĩnh vực lao động xã hội sẽ còn những khó khăn và thách thức do đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chú trọng bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có sàn giao dịch việc làm quốc gia để theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được cung và cầu. Quý 1/2024, Thủ tướng Chính phủ sẽ dự khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia. Qua đó, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ chuyển đổi số toàn diện nhất trong số các bộ ngành khi có sàn giao dịch điện tử này. Chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với ngành lao động, thương binh và xã hội.

Chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu về lao động, an sinh xã hội -0

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Huân chương lao động cho các tập thể, cá nhân của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thành tích xuất sắc

“Cùng với đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ ngành khác để xây dựng chuẩn chương trình, nội dung cho giáo dục nghề nghiệp. Với vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng, thời gian tới bộ cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Triển khai hệ thống dịch vụ xã hội, đa dạng, đa tầng, liên thông, chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng động ngũ nhân viên làm công tác xã hội có hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, chuyên nghiệp, thúc đẩy xã hội hoá phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.