Xuất bản thông tin

null Giám sát về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Tin hoạt động Tin tức

Giám sát về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

ĐTO - Ngày 18/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đến làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiều Thế Lâm đến dự buổi làm việc.


 

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Trong giai đoạn 2018 - 2023, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường, thực hiện liên tục và có hiệu quả. Các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của người dân; nguồn kinh phí bố trí thực hiện có tập trung, đầu tư năm sau cao hơn năm trước và có lồng ghép trong tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát đánh giá được thực hiện thường xuyên, đúng quy định.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,34%/năm (từ 6,11% đầu năm 2018 xuống còn 2,17% vào cuối năm 2022), với hơn 27.200 hộ thoát nghèo, quy mô hộ nghèo giảm 65% và thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2018 (từ gần 860.000 đồng lên hơn 1,7 triệu đồng/người/tháng).

Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, mang lại những hiệu thiết thực. Công tác tiếp nhận và phân phối tiền quà hỗ trợ được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tạo niềm tin và sự đồng thuận đóng góp của người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế như chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc làm giữa các nhóm hộ còn cao; một bộ phận hộ đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo do chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, mất mùa.

Sở LĐTBXH đề xuất kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi hơn nữa đối với hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; ban hành chính sách mới hỗ trợ cho vay đối với hộ có mức sống trung bình. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ chính sách về bảo hiểm y tế cho các đối tượng hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, có mức sống trung bình...


Bà Đoàn Duy Thùy Ngạn - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã tham mưu tỉnh ban hành chủ trương, chính sách mới

 Qua khảo sát tại các địa phương, làm việc với Sở LĐTBXH, bà Đoàn Duy Thùy Ngạn - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua, cũng như một số tồn tại, khó khăn trong công tác này. Đồng thời, đề nghị Sở tham mưu UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền cho chủ trương điều tiết nguồn vốn vay của hộ nghèo, cận nghèo (còn tồn rất nhiều) qua cho người có thu nhập thấp, mức sống trung bình vay để sản xuất, mua bán phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Cùng với đó, Sở có thể nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành chính sách về tiêu chí nghèo, cận nghèo của tỉnh và các chính sách phù hợp kèm theo để người dân tiếp cận các sự trợ giúp từ nhà nước, xã hội để có điều kiện lao động, phát triển sản xuất tạo thu nhập ổn định đời sống.


Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiều Thế Lâm phát biểu tại buổi giám sát

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiều Thế Lâm cho rằng, công tác giảm nghèo là công tác khó và phải làm lâu dài để nâng dần chất lượng sống của người dân. Qua đó, mong muốn Sở LĐTBXH tiếp tục đánh giá nghiêm túc các chương trình, dự án và phát huy nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ trong thực hiện để phát huy kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững. 

Nguồn: Báo Đồng Tháp Onilne