Xuất bản thông tin

null Năm giải pháp chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Chi tiết bài viết Chuyển đổi số

Năm giải pháp chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

(Molisa.gov.vn) - 

 

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn với hàng chục triệu người dân. Trong số 35 nền tảng số quốc gia được xác định thực hiện thì dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội là một trong những nền tảng trọng tâm. Hai năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số hướng tới thực hiện số hóa tổng thể, toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Việc hoàn thành dữ liệu về người dân, người lao động cả nước sẽ là tài sản lớn nhất của ngành kết nối với các bộ, ngành khác hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Từ việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được giao 03 nhiệm vụ: Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; Tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ: “Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án 06 tại Bộ LĐTBXH (tháng 5/2023)

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm cao, trong hai năm qua, các đơn vị thuộc Bộ đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, tiến độ và đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Được xây dựng, triển khai từ năm 2017, với sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 57 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 38 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 19 dịch vụ công trực tuyến một phần. Qua đó, đã có trên 213 nghìn hồ sơ được xử lý trực tuyến và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ đã triển khai 18 dịch vụ công trực tuyến của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và 02 dịch vụ công trực tuyến của Bộ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng phí đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng.

Đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, hệ thống dịch vụ công đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Cục Bảo trợ xã hội đã được triển khai tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn, kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với hệ thống phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội. Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ từ dịch vụ công liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí. Từ khi triển khai thử nghiệm đến nay, phần mềm dịch vụ công liên thông đã triển khai tại 2 địa phương là thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam; đào tạo tập huấn sử dụng hệ thống tại 63 tỉnh, thành phố; đã kết nối dịch vụ công thành công tới Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn 02 địa phương Lai Châu, Bạc Liêu đang khẩn trương hoàn thành việc kết nối.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao công tác chuyển đổi số của Bộ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Trung tâm Công nghệ thông tin

Cục Bảo trợ xã hội đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, tập huấn và triển khai tới các địa phương trên toàn quốc. Sau khi triển khai hướng dẫn đào tạo tập huấn, các tỉnh, thành phố đã và đang có hồ sơ sử dụng trên phần mềm dịch vụ công bảo trợ xã hội với tổng số hơn 71 ngàn hồ sơ (trong đó hồ sơ đang xử lý là hơn 18 ngàn và hồ sơ đã hoàn thành gần 45 ngàn, hồ sơ chưa tiếp nhận hơn 420 hồ sơ, hồ sơ từ chối là hơn 7 ngàn hồ sơ). Kết quả thực hiện dịch vụ công liên thông khai tử - hỗ trợ chi phí mai táng tại toàn quốc với hơn 21 nghìn hồ sơ, trong đó chưa tiếp nhận là hơn 5 ngàn hồ sơ, đã hoàn thành xử lý là gần 9 ngàn hồ sơ, đang xử lý là gần 3 ngàn hồ sơ và từ chối tiếp nhận hơn 4 ngàn hồ sơ.

Hiện phần mềm dịch vụ công liên thông đối với lĩnh vực người có công đã được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và hoàn thành việc đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng, đã thực hiện kết nối chính thức với Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://csdl-nguoicocong.molisa.gov.vn. Đến nay, hệ thống liên thông và đã tiếp nhận gần 6 ngàn hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp mai táng từ dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí trên toàn quốc, trong đó đã chấp nhận và trả kết quả trên 1 ngàn hồ sơ, bị từ chối hơn 3 ngàn hồ sơ, đang xử lý trên 300 hồ sơ, chờ tiếp nhận hơn 900 hồ sơ.

 Đến đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt tại địa phương

Triển khai Đề án 06, ngay từ đầu năm 2022, Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg, Bộ đã tập trung chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy triển khai công tác chi trả không dùng tiền mặt tại địa phương. Các tỉnh, thành cũng đã triển khai công tác thu thập thông tin tài khoản, thực hiện chi trả qua tài khoản đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu nhận tiền qua tài khoản.

Tính từ tháng 01/2023 đến 19/01/2024, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội: tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là trên 1,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 29,02% trên tổng số đối tượng quản lý; tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là gần 586 ngàn người, chiếm tỷ lệ 11,67% trên tổng số đối tượng quản lý; tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 01/2023 đến nay là hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.

Kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư

Hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em đang duy trì việc kết nối và chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã hoàn tất việc bổ sung căn cước công dân cho hơn 17 triệu cơ sở dữ liệu trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu khoảng hơn 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em để các tỉnh, thành có thể xác thực thông tin trẻ em qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc bổ sung, cập nhật và xác minh thông tin về trẻ em thường xuyên được các địa phương thực hiện.

Đối với lĩnh vực bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công nghệ Thông tin đã làm việc với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá về an ninh, an toàn hệ thống Cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội. Kết quả sau đánh giá, hệ thống đã đáp ứng đủ điều kiện về an ninh, an toàn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẵn sàng cho việc kết nối tới cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội có khoảng 3,2 triệu đối tượng đang hưởng đã được cấp định danh cá nhân/căn cước công dân trong đó đã có trên 02 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng đã được xác thực thành công qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc bổ sung, cập nhật và xác minh thông tin về đối tượng bảo trợ xã hội được các địa phương thường xuyên thực hiện.

 Hiện nay, cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được quản lý tập trung thống nhất tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được dữ liệu của 63 tỉnh, thành phố với khoảng 1,9 triệu hộ (7,5 triệu người). Việc kết nối dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thực hiện chính thức từ tháng 9/2023. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đang phối hợp với C06 thực hiện đối soát, kết nối dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã có 17 tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động thu thập cơ sở dữ liệu người lao động.

Trong lĩnh vực lao động - việc làm, Cục Việc làm đã xây dựng tài liệu hướng dẫn thu thập thông tin cơ sở dữ liệu về người lao động và xây dựng kế hoạch và dự toán chi tiết cho hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư năm 2023. Hiện Công an các địa phương đã nhập dữ liệu vào hệ thống dữ liệu thông tin người lao động, sẵn sàng cho việc kết nối. Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng đối với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về người có công. Cục Người có công đã phối hợp với C06 thực hiện nhập liệu hơn 718 ngàn hồ sơ người có công với cách mạng trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hưởng trợ cấp hàng tháng.

Chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Xác định chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội là giải pháp quan trọng đáp ứng yêu cầu quản lý của bộ, ngành phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tăng cường công tác xây dựng thể chế, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường mạng như triển khai các dịch vụ: Phí, lệ phí, sms, chữ ký số, xác thực định danh điện tử và lưu trữ điện tử… tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và người dân thực hiện.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động, người dân biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ công Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí và các dịch vụ công khác liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ba là, tiếp tục duy trì việc kết nối, xác thực thông tin, chuẩn hóa và đồng bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em, cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội, giảm nghèo với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện xác minh dữ liệu, đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu lao động, việc làm, người có công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội các địa phương phối hợp với công an cơ sở thực hiện rà soát, xác minh dữ liệu, đối khớp, làm sạch dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bốn là, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ, miễn giảm phí dịch vụ cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội để khuyến khích các đối tượng mở tài khoản, nhận trợ cấp qua tài khoản và thanh toán không dùng tiền mặt. Đề nghị Bộ Công an sớm có phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán (Napas) để thuận tiện cho các địa phương triển khai xác thực thông tin tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trong quá trình triển khai chi trả không dùng tiền mặt.

Năm là, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác Đề án 06, Bộ Công an định kỳ rà quét an ninh, an toàn và bảo mật thông tin cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình thực hiện cơ sở dữ liệu của ngành đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Đề án 06 là hợp phần quan trọng trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia; là đề án tiền đề mang tính đột phá, với việc lấy Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng cốt lõi, cơ bản để thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Việc triển khai thành công cơ sở dữ liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ góp phần vào thành công của chương trình Chuyển đổi số quốc gia.